Apple đã tạo ra một tiền lệ mong manh khi kiên quyết bảo vệ việc bảo mật cho iPhone của khách hàng. Họ đối đầu với FBI trong phiên tòa tại California sau yêu cầu tạo ra một phiên bản iOS ít bảo mật hơn, cho phép các máy tính Chính phủ bẻ khóa mã bảo mật nhằm tiếp cận dữ liệu trên một chiếc iPhone vật chứng.
Cũng trong tuần này, Apple đã có một chiến thắng tương đối ấn tượng khi tòa án tại New York đồng ý quyết liệt quyết định của họ trong một vụ việc tương tự. Tuy vậy, cuộc chiến vẫn còn dài và chỉ có thể kết thúc tại Tòa án Tối cao hoặc trước Quốc hội.
Vấn đề bảo mật trên iPhone đã làm nóng chính trường Mỹ một thời gian qua. Ảnh: Bryan Thomas.
Phần mềm đặc biệt do FBI yêu cầu, mà Apple gọi là “GovtOS”, về bản chất là một “cửa hậu” để lẻn vào các điện thoại được mã hóa, bởi các mã bảo mật do người dùng tạo ra và kiểm soát, khi Apple đã cố tình thiết kế iPhone theo cách mà chính họ cũng không có khả năng mở nó.
Ngay cả trước vụ án tại California, Watt Mossberg từ The Verge cho biết ông đã phản đối ý tưởng về bất kỳ “cửa sau” nào vì nó dễ dàng bị lợi dụng bởi tội phạm hoặc các tổ chức khác. Ông thể hiện sự ủng hộ của mình với Apple cho cùng lý do trên.
Khe hở từ iCloud
Tuy vậy, có một lỗ hổng trong hệ thống, trong chính sân nhà của Apple: Hệ thống iCloud, hay nói chính xác hơn là hệ thống iCloud Backup – công cụ tiện lợi cho phép iPhone và iPad tự động lưu trữ dữ liệu lên hệ thống mỗi ngày.
Khác với phần cứng của iPhone, Apple nắm giữ gần như mọi chìa khóa để tiếp cận các nội dung trong iCloud. Đã có nhiều trường hợp họ giao các thông tin từ lưu trữ iCloud đến FBI và các cơ quan chức năng khác khi được yêu cầu từ tòa án một cách hợp pháp.
Apple không kiểm soát iPhone, nhưng iCloud lại là vấn đề khác.
Thực tế, trong vụ án tại California, Apple đã cung cấp cho FBI các thông tin lưu trữ iCloud từ lần back-up mới nhất của chiếc điện thoại tang chứng cách đó 6 tháng. Apple cũng nói rằng thông tin trong đó đã chứa những gì FBI cần (trong một diễn biến khác, vì một động thái thay đổi mật khẩu từ các nhà chức trách địa phương, lần backup mới nhất đã không thể được thực hiện. FBI cho rằng họ phải có thẩm quyền để thực hiện việc này).
Tất cả các dịch vụ lưu trữ đám mây đều không thể bảo mật trước các phương thức như giả mạo web, trò khởi tạo mật khẩu, và nhiều cách tấn công khác. Một ví dụ là việc hàng loạt ảnh nóng của các nhân vật nổi tiếng bị lộ từ iCloud năm 2014, dù rằng Apple không thừa nhận bất kỳ khả năng “phá tường” iCloud nào trong vụ việc. Quá ít người đang sử dụng tính năng bảo mật hai lớp, cung cấp bởi Apple cũng như nhiều tên tuổi khác.
Hai loại dữ liệu, hai quan điểm bảo mật
Theo một lãnh đạo Apple biết rõ về tư tưởng của hãng đối với quyền riêng tư, Qủa táo cho rằng các vấn đề riêng tư và bảo mật trên điện thoại là hoàn toàn khác so với các vấn đề tương tự trên iCloud.
Apple cho rằng chính sách bảo mật trên điện thoại được dựa trên thực tế rằng đó là một vật thể, và có thể bị đánh mất hoặc bị trộm cắp, do vậy nhu cầu bảo vệ lượng thông tin lớn trên iPhone yêu cầu mọi phương thức mạnh nhất có thể.
iPhone được trang bị mọi công cụ bảo mật tân tiến, thậm chí Apple không có chìa khóa cho chính những ổ khóa họ tạo ra.
Apple không lẻ loi
Chính sách này không khác biệt so với các công ty khác. Phát ngôn viên của Google, Aaron Stein nói trong một email với The Verge: “Chúng tôi có đáp ứng bất kỳ yêu cầu dữ liệu hợp pháp nào từ Gmail, Drive, Docs hay Calendar.” Trong một email khác, ông bổ sung: “Nếu chúng tôi nhận được các yêu cầu hợp pháp từ các nhà chức trách, chúng tôi hoàn toàn có thể bẻ khóa các dữ liệu này và cung cấp”. Nói cách khác, Google luôn giữ một “chìa khóa”. Thế nhưng, ông cũng nói thêm, tương tự Apple: “Cần phân biệt các dữ liệu này với một thiết bị được bảo mật. Dù cho có yêu cầu hợp pháp, chúng tôi cũng không thể tiếp cận các dữ liệu được lưu trên ổ cứng một thiết bị và cung cấp nó. Chỉ có chủ thiết bị mới có chìa khóa, Google thì không”.
Đa số các dịch vụ đều hỗ trợ nhiều lớp bảo mật, nhưng nhiều người dùng vẫn không sử dụng chúng.
Và Dropbox cũng cho biết: “Như phần lớn dịch vụ online, chúng tôi có một nhóm nhân viên nhỏ được phép tiếp cận mọi dữ liệu khách hàng vì các lý do được nêu trong hợp đồng sử dụng (khi các nhà chức trách yêu cầu chẳng hạn). Nhưng đó là các trường hợp ngoại lệ hiếm hoi, chứ không phải một luật lệ”.
Có gì trong các file backup?
Trong một cuộc phỏng vấn với ABC News, Tim Cook nói rằng “bạn có thể hiểu là nó có gần như mọi thứ trên thiết bị của bạn, không phải tất cả”.
Theo Apple, nhiều dữ liệu không được tải lên iCloud vì có nhiều cách thức khác cho người dùng phục hồi. Chúng bao gồm email, những nội dung được lưu tạm thời như sách trên ứng dụng Amazon Kindle.
File backup của iCloud gần như thể hiện toàn bộ thông tin trên điện thoại.
Trong vài trường hợp khác, các thông tin trên iCloud quá nhạy cảm, như thông tin của bản thân chiếc điện thoại, Apple sẽ vẫn backup nhưng không thể mở khóa chúng. Các thông tin này bao gồm mật khẩu Wi-Fi, Apple Keychains (tập hợp các mật khẩu được mã hóa), và mật khẩu cho các dịch vụ bên thứ ba.
Nhưng nhìn chung, như Cook đã nói, backup từ iCloud cho thấy hình ảnh tổng thể về những thông tin trong điện thoại. Ví dụ, mọi tin nhắn iMessage và SMS trên điện thoại đều được lưu về Cloud và có thể được mở khóa.
Giải pháp: Trung thành với truyền thống
Nếu vẫn không tin tưởng chút nào vào iCloud backup, người dùng có thể dùng phương pháp truyền thống, thông qua dây cáp và một máy tính cá nhân.
Phương pháp back-up thông qua iTunes tỏ ra chậm chạp, phức tạp và không tự động. Nhưng nó hoạt động tốt, bạn cũng có thể mã hóa những dữ liệu này, cho phép phục hồi máy, nhưng bảo vệ chúng khỏi sự điều khiển của Apple.