Hãy đưa Uber, Grab về đúng bản chất là “dịch vụ công nghệ”

Theo ý kiến của một số chuyên gia công nghệ, Uber, Grab đều là những điển hình thành công của những trào lưu “kinh tế chia sẻ”, “kinh tế ứng dụng”. Những ứng dụng kết nối di động thuộc dạng này ngày càng phổ biến và hoàn toàn không chỉ giới hạn sử dụng cho dịch vụ vận tải.

Truy cập một kho ứng dụng bất kỳ, ta có thể thấy vô vàn những ứng dụng  vận hành theo mô hình tương tự. Có ứng dụng cho phép đặt phòng trọ tại thành phố bạn sắp ghé thăm. Có ứng dụng cho phép đặt món ăn bạn thích tại nhà hàng có thể giao đồ trong 5 phút. Có ứng dụng cho phép người bệnh tìm hiệu thuốc bán một loại biệt dược nhất định. Có ứng dụng cho phép gia chủ tìm người giúp việc dọn nhà. Thậm chí có ứng dụng cho phép tìm bạn café tâm tình ở góc phố… Tất cả đều hoạt động theo nguyên tắc chung: kết nối người dùng với nhà cung cấp gần nhất.

Thành công bùng nổ của những ứng dụng dạng này dựa vào 3 yếu tố công nghệ được phổ cập trong thời gian gần đây: 3G, GPS và smartphone. 3G giúp truy cập vào máy chủ của ứng dụng để kết nối giữa những người có nhu cầu phù hợp, GPS giúp họ định vị tìm ra nhau, smartphone để chạy ứng dụng và giúp bên cung bên cầu liên lạc, từ đó thực hiện giao dịch.

Nếu quy Uber hay Grab về loại hình “kinh doanh vận tải” và buộc họ chịu sự quản lý của Bộ Giao thông vận tải thì tất yếu theo cùng nguyên tắc ứng dụng tìm nhà thuốc phải do Bộ Y tế cấp phép, ứng dụng tìm giúp việc phải được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phê duyệt, ứng dụng đặt phòng trọ chắc cần chịu sự quản lý liên thông Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (về du lịch) và Bộ Công an (về tham gia tạm trú). Còn ứng dụng tìm bạn café,  cùng vô vàn các ứng dụng tương tự, không rõ sẽ phải xin phép chỗ nào? Với hàng trăm ứng dụng mới xuất hiện mỗi ngày, liệu phải phân chia chức năng, nhiệm vụ thế nào cho xuể? Và quan trọng hơn, quản lý để làm gì?

Lập luận thường gặp là quản lý để đảm bảo chất lượng dịch vụ, bảo vệ người tiêu dùng hoặc chống thất thu thuế. Các lập luận này không thật sự thuyết phục vì các ứng dụng chỉ đóng vai trò trung gian để kết nối người tiêu dùng đến bên cung cấp dịch vụ. Những nhà phát triển ứng dụng không cung cấp dịch vụ cuối cùng và không thể chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến chất lượng dịch vụ đó, hay nghĩa vụ thuế của các đối tác. Trách nhiệm của nhà phát triển ứng dụng chỉ dừng lại ở việc bảo mật thông tin khách hàng và lo sao cho phần mềm của họ chạy không có lỗi. Việc ép buộc họ gánh chịu những trách nhiệm không thuộc về họ sẽ khiến cho cơ chế quản lý trở nên không hiệu quả, và về lâu dài làm thui chột sự phát triển của một nền kinh tế sáng tạo đang được Chính phủ nỗ lực khuyến khích.

Vì vậy, để quản lý hiệu quả những dịch vụ như Uber, Grab, hãy trả các loại hình kinh doanh này về đúng bản chất của chúng, đó là dịch vụ công nghệ. Các cơ quan quản lý ngành, như Bộ Giao thông vận tải, chỉ nên tập trung vào quản lý các dịch vụ chuyên ngành. Khung pháp lý hiện nay cũng đã đủ các công cụ ràng buộc các chủ xe, bao gồm cả các cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể phải nộp thuế và tuân thủ quy định về an toàn giao thông. Nếu trốn thuế, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.  Việc đảm bảo các đối tượng này tuân thủ pháp luật, xét cho cùng, là việc của cơ quan quản lý, không phải là vấn đề của công nghệ.

Theo một chuyên gia pháp lý, việc xác định Uber, Grab là dịch vụ vận tải hay dịch vụ công nghệ có ý nghĩa quan trọng để kết luận về tính hợp pháp của loại hình kinh doanh này tại Việt Nam. Nếu là dịch vụ công nghệ, theo cam kết WTO, Việt Nam cho phép các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, và do đó không có cơ sở để buộc nhà cung cấp dịch vụ phải tham gia hoạt động tại Việt Nam. Còn ngược lại, nếu xác định đây là loại hình “dịch vụ vận tải hành khách”, pháp luật Việt Nam chỉ cho phép doanh nghiệp có ít nhất 51% vốn Việt Nam được tham gia kinh doanh nên tất cả những doanh nghiệp nước ngoài như Uber hay Grab sẽ không được hoạt động trên thị trường.